Kính mời quý vị và các bạn lắng nghe chương trình phát thanh của xã Nghi Ân!
Kính thưa quý vị và các bạn!
Bão lụt ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ con người và môi trường sống. Sau bão lụt, thường xảy ra nhiều loại dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Nếu không có biện pháp xử lý tốt thì có thể bùng phát những vụ dịch lớn.
A/ Xử lý nước và vệ sinh môi trường trước khi bão lụt:
1. Đối với nguồn nước:
* Giếng đào: Dùng ni lông dày, không thủng phủ kín miệng giếng và buộc chặt bằng dây cao su.
* Giếng khoan: Dùng ni lông dày, không thủng bịt kín vòi và cần giếng khoan bằng dây cao su.
2. Đối với nhà vệ sinh:
* Nhà tiêu 2 ngăn: Lấy hết phân, đào hố sâu cách xa nguồn nước uống ít nhất 10m, ủ với vôi bột hoặc tro bếp sau đó lấp đất kỹ, trong hố tiêu cho vôi bột hoặc tro bếp vào trước khi đậy nắp.
* Nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước: Chuẩn bị nút đậy chặt lỗ hố tiêu.
* Nhà tiêu Chìm có ống thông hơi: Cho vôi bột hoặc tro bếp phủ kín lên bề mặt phân rồi lấp đất kín lại.
3. Chuồng gia súc:
- Thu gom phân cho vào hố cách xa nguồn nước sinh hoạt ít nhất 10m, sau đó rãi vôi bột hoặc tro bếp phủ toàn bộ bề mặt rồi lấp đất kỹ.
B/ Xử lý nước sinh hoạt trong mùa lũ:
Trong mùa lũ lụt, trường hợp giếng bị ngập không có nước dự trữ thì phải lấy nước ngập lụt xử lý để sử dụng sinh hoạt theo 2 bước sau:
Bước 1: Làm trong nước
Dùng 1 gam phèn chua cho vào 20 lít nước, đánh tan phèn chờ 30 phút nước lắng cặn đến trong, nếu ko có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc.
Bước 2: Khử trùng nước
Đã làm trong bằng hoá chất Chloramine: dùng 1 viên Chloramine T hoặc B loại 250mg cho vào 25 lít nước. Khuấy đều cho tan hết lượng hoá chất, sau 30 phút mới sử dụng.
* Trong trường hợp khẩn cấp không có phèn chua làm trong nước thì tăng hàm lượng Chloramine B:
- Nếu nước đục vừa: 15 - 20mg Chloramine B hoà tan trong 1lít nước hay 15-20gam Chloramine B (tương đương khoảng 1,5 - 2 thìa cà phê) hoà tan trong 1m3 nước.
- Nếu nước đục nhiều: 20 - 50mg Chloramine B hoà tan trong 1lít nước hay 20-50 gam Chloramine B (tương đương khoảng 2 - 5 thìa cà phê hoà tan trong 1m3 nước.
Lưu ý: Không tiến hành đồng thời vừa làm trong nước vừa khử trùng bằng hoá chất.
C/ Xử lý nước và vệ sinh môi trường sau bão lụt:
1. Xử lý môi trường:
- Nước rút đến đâu huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó. Vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
- Khi nước rút hết môi trường bị ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối chết thối rữa... Do đó, cần phải khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật và tẩy uế.
* Về xử lý xác súc vật chết:
- Khảo sát, ước lượng xác súc vật chết cần xử lý.
- Chọn vị trí chôn xác súc vật ở ngoài đồng cách xa nguồn nước ít nhất 50m. Đào hố chôn xác súc vật ở độ sâu ít nhất phải trên 0,8m, đổ 3-5kg vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao rồi lấp đất lèn chặt, rào kỹ lại tránh súc vật đào bới.
- Khử trùng nơi có xác súc vật chết: Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rải vôi bột nơi có xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi súc vật chết. Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại ngay.
Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
2. Xử lý nước sinh hoạt:
Gồm 4 bước:Làm trong nước bằng phèn chua -> Khử trùng nước bằng Chloramine -> Đun sôi->Sử dụng.
a. Đối với Giếng khơi: Tiến hành theo 3 bước:
* Bước 1: Thau rửa giếng:
- Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng.
- Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.
* Bước 2: Biện pháp làm trong nước:
- Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, (1 gam phèn chua tương đương một hạt ngô to) nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3.
- Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.
- Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước.
* Bước 3: Biện pháp Khử trùng nước giếng:
- Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương 1m3) cứ 1m3 hoà tan 10 - 20gam Chloramine B tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước).
- Múc một gàu nước.
- Hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hoá chất.
- Thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần.
- Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo.
- Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng
- Sau 30 phút mới sử dụng nước (phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 - 0,5mg/lít)).
(Nếu lỡ cho quá nhiều cholo B thì đợi đến khi nào bay hết mùi chlo mới sử dụng).
Lưu ý:
- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn.
- Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
- Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.
b. Đối với giếng khoan:
- Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan.
- Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan.
- Khơi thông cống rãnh quanh giếng.
- Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi ->sử dụng.
3. Đề phòng một số bệnh sau bão lụt:
a. Phòng bệnh đau mắt đỏ:
- Không lau rửa hoặc tắm nước bẩn.
- Tra thuốc nhỏ mắt Cloramphenicol 0,4% cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
- Không dùng chung chậu, khăn mặt.
b. Phòng bệnh ngoài da:
- Không tắm, gội và giặt quần áo bằng nước bẩn.
- Không mặc quần áo ướt.
- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn. Nếu vì lý do nào đó phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, đặc biệt là các kẻ ngón chân, tay sau đó bôi ngay thuốc đỏ hay thuốc sát trùng phòng nước ăn chân, tay.
c. Phòng các bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, SXH, sốt rét,... bằng cách:
- Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, nếu ăn thì phải rửa bằng nước đã khử trùng.
- Nằm ngủ phải mắc màn.
- Loại bỏ những vũng nước tù động vì đây là nơi trú ẩn, sinh hoạt và truyền bệnh của muỗi.
- Tích cực diệt ruồi, muỗi, vệ sinh làng xóm, khơi thông cống rãnh...
Trên đây là các biện pháp xử lý nước và vệ sinh môi trường trước, trong và sau bão lụt, rất mong mọi người dân chú ý thực hiện để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.