Tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác tái hòa nhập cộng đồng
- content:
Thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục, tuyên truyền pháp luật, các quy phạm pháp luật về công tác tái hoà nhập cộng đồng, tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ pháp lý, thông tin, truyền thông, giáo dục về tài hoà nhập cộng đồng, y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng và không tái phạm; Nâng cao trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, Ban cán sự xóm và gia đình người tái hoà nhập cộng đồng trong thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong việc tham mưu cho Đảng uỷ, UBND xã và các cơ quan chức năng trong công tác tiếp nhận, quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp tái hoà nhập cộng đồng. UBND xã triển khai một số quy định của pháp luật về công tác tái hòa nhập cộng đồng như sau:
Tái hoà nhập cộng đồng là quá trình người phạm tội sau thời gian chấp hành hình phạt tù trở lại với cộng đồng và cuộc sống xã hội bình thường. Đây là quá trình phức tạp với nội hàm phong phú và biến động. Về mặt xã hội, tái hoà nhập cộng đồng là quá trình quay trở lại với xã hội, tham gia...
1. Khái quát về tái hoà nhập cộng đồng
Tái hoà nhập cộng đồng là quá trình người phạm tội sau thời gian chấp hành hình phạt tù trở lại với cộng đồng và cuộc sống xã hội bình thường. Đây là quá trình phức tạp với nội hàm phong phú và biến động. Về mặt xã hội, tái hoà nhập cộng đồng là quá trình quay trở lại với xã hội, tham gia vào các quan hệ xã hội với tư cách là chủ thể của các quan hệ xã hội đó của người đã chấp hành xong hình phạt tù. Trong thời gian chấp hành án, phạm nhân bị cách li khỏi đời sống xã hội bình thường, không được tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật với tư cách là chủ thể của các quan hệ đó. Điều đó có thể dẫn đến những khó khăn chủ quan cũng như khách quan mà người tái hoà nhập cộng đồng gặp phải cả trong nhận thức, suy nghĩ và cách hành xử trong các quan hệ xã hội khi quay trở lại với cuộc sống xã hội hiện tại sau thời gian nhất định bị cách li. Như vậy, tái hoà nhập cộng đồng là quá trình hai chiều: một chiều là người tái hoà nhập hướng tới cộng đồng, hoà nhập với cộng đồng và chiều ngược lại sự tác động, chi phối của chính cộng đồng mà họ hướng tới đối với họ. Quá trình tái hoà nhập cộng đồng có thể được phân chia thành hai giai đoạn cơ bản: Giai đoạn chuẩn bị tái hoà nhập của người đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam và giai đoạn người đã chấp hành xong hình phạt tái hoà nhập cộng đồng.
Tái hòa nhập cộng đồng được quy định tại Điều 45 Luật thi hành án hình sự 2019, cụ thể như sau:
Điều 45. Tái hòa nhập cộng đồng
1. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm:
a) Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý;
b) Định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm;
c) Hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.
2. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng bao gồm:
a) Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp;
b) Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật;
c) Nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.
3. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp sau đây:
a) Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng;
b) Dạy nghề, giải quyết việc làm;
c) Trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý;
d) Các biện pháp hỗ trợ khác.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
2. Quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 về tái hoà nhập cộng đồng
2.1 Quy định chung
Nhận thức được tầm quan trọng của tái hoà nhập cộng đồng, Nhà nước ta chú ý quy định về vấn đề này ngay trong Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010. Sau một thời gian áp dụng, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, Luật THAHS năm 2019 được ban hành theo hướng kế thừa tất cả những quy định phù hợp của Luật THAHS năm 2010 đồng thời bổ sung một số quy định quan trọng về tái hoà nhập cộng đồng. Trước hết, Luật THAHS năm 2019 có đầy đủ những quy định liên quan đến quá trình chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành án phạt tù. Đây là các quy định liên quan đến chăm sóc y tế, cai nghiện ma tuý, học tập, học nghề, học kĩ năng, tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo,tiếp cận thông tin, liên lạc với người thân và bạn bè, thiết lập quỹ hoà nhập cộng đồng,thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật, khiếu nại, tố cáo, xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Những quy định này thể hiện sự kế thừa và phát triển từ những quy định tương ứng trong Luật THAHS năm 2010, chúng tạo cơ sở pháp lí cho việc loại trừ những thới quen xấu, rèn luyện tính kỉ luật, tăng cường sức khoẻ, bổ sung kiến thức và kĩ năng làm việc cho phạm nhân đồng thời duy trì những mối liên hệ tốt để giúp phạm nhân tái hoà nhập vào môi trường cuộc sống sau khi được trả tự do.
Luật THAHS cũng có một số quy định khác liên quan đến việc bảo đảm sự phối hợp giữa các chủ thể tham gia hỗ trợ quá trình tái hoà nhập cộng đồng của người chấp hành xong hình phạt tù. Điều 44 Luật này quy định: trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp huyện phối hợp với gia đình phạm nhân, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm động viên phạm nhân tích cực học tập, lao động, rèn luyện để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước; hỗ trợ các hoạt động giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Điều 46 về trả tự do cho phạm nhân quy định trách nhiệm của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan THAHS công an cấp tỉnh, cơ quan THAHS cấp quân khu thông báo cho cơ quan THAHS công an cấp huyện, uỷ ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú, làm việc 02 tháng trước khi phạm nhân hết thời hạn chấp hành án phạt tù về kết quả chấp hành án phạt tù, hình phạt bổ sung mà phạm nhân còn phải chấp hành và thông tin cần thiết khác có liên quan để xem xét, sắp xếp, tạo lập cuộc sống bình thường cho người đó. Trường hợp không xác định được nơi người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan THAHS công an cấp tỉnh, cơ quan THAHS cấp quân khu đề nghị với uỷ ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án hoặc cơ quan, tổ chức khác để tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú. Đặc biệt, khoản 2 Điều này quy định: Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp tỉnh, cơ quan THAHS cấp quân khu hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của pháp luật để trả tự do cho phạm nhân; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù cho người đã chấp hành xong hình phạt tù, cấp khoản tiền từ quỹ hoà nhập cộng đồng, cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc; trả lại đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tiền, tài sản khác mà phạm nhân đã gửi tại nơi chấp hành án phạt tù quản lí.
Bên cạnh những quy định chung đó, Luật THAHS năm 2019 lần đầu tiên có một điều luật riêng biệt (Điều 45) quy định trực tiếp về tái hoà nhập cộng đồng. Quy định tại Điều 45 tập trung vào ba nội dung chính gồm: chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng và trách nhiệm chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng; kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hoà nhập cộng đồng; khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng bằng các nhóm biện pháp cụ thể.
2.2 Về chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng
Về chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng: Điều 45 Luật THAHS năm 2019 quy định: Trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng bao gồm: tư vấn tâm lí, hỗ trợ các thủ tục pháp lí; định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ một phần kinh phí từ quỹ hoà nhập cộng đồng của trại giam.
Việc Luật THAHS năm 2019 quy định trách nhiệm chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng thuộc về trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp huyện là phù hợp vì đây là các cơ quan trực tiếp tổ chức thi hành án phạt tù, gắn bó trực tiếp với phạm nhân trong suốt thời gian họ chấp hành án. Ba nội dung chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng được quy định cũng là những nội dung cần thiết để chuẩn bị cho tái hoà nhập cộng đồng của người chấp hành xong hình phạt tù. Trong đó, hoạt động tư vấn tâm lí là công việc có ý nghĩa quan trọng đối với những người đã lỡ phạm tội và bị cách li khỏi xã hội trong khoảng thời gian nhất định, chuẩn bị quay về với cuộc sống bình thường. Thông thường những người này sẽ phải chịu những áp lực tâm lí, cần có sự hỗ trợ, động viên, khích lệ từ những người có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Người chuẩn bị rời khỏi môi trường giáo dục tập trung cũng có thể thiếu hiểu biết về các thủ tục pháp lí liên quan đến bản thân cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, người chấp hành xong bản án tù chỉ có thể tái hoà nhập cộng đồng thành công nếu sau khi rời khỏi môi trường giam giữ họ có thể có cuộc sống bảo đảm, thông thường là bằng thu nhập hợp pháp. Trong điều kiện tìm kiếm công việc không dễ dàng như hiện nay, những người có lí lịch không tốt, thiếu kiến thức, kĩ năng để thực hiện loại công việc nhất định càng khó đạt được điều kiện này. Do đó, quy định nội dung định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm trong các hoạt động chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành án là thực sự cần thiết. Ngoài ra, kinh phí để hỗ trợ người chấp hành án tái hoà nhập cộng đồng cũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị. Trong khi đó, quỹ hoà nhập cộng đồng của trại giam có phần đóng góp từ công sức lao động của bản thân mỗi phạm nhân. Vì vậy, Điều 45 quy định nội dung thứ ba của việc chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng là việc hỗ trợ một phần kinh phí từ quỹ hoà nhập cộng đồng của trại giam.
2.3 Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng
Vấn đề kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hoà nhập cộng đồng là một trong những vấn đề quan trọng để bảo đảm quá trình tái hoà nhập cộng đồng của phạm nhân chấp hành xong bản án thuận lợi. Để họ có thể sinh sống bình thường, lương thiện trong cộng đồng trong khi thông thường họ chưa có việc làm, chưa có thu nhập ngay khi rời khỏi môi trường giam giữ cần thiết phải có khoản kinh phí đủ để họ trang trải những chi phí cần thiết trong thời gian này. Điều 45 Luật THAHS năm 2019 quy định kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hoà nhập cộng đồng bao gồm: Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; Quỹ hoà nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; Nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác. Việc Điều luật này khẳng định trách nhiệm cấp kinh phí phục vụ tái hoà nhập cộng đồng của Nhà nước đồng thời ghi nhận các nguồn tiền hợp pháp khác đối với mục đích này là phù hợp.
2.4 Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù
Điều 45 Luật THAHS quy định Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng bằng các biện pháp sau đây: thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hoà nhập cộng đồng; dạy nghề, giải quyết việc làm; trợ giúp về tâm lí và hỗ trợ các thủ tục pháp lí; các biện pháp hỗ trợ khác. Quy định này vừa thể hiện thông điệp kêu gọi các chủ thể trong xã hội hỗ trợ người chấp hành xong hình phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng vừa là cơ sở pháp lí để các chủ thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Những quy định trên của Luật THAHS năm 2019 đã kế thừa đầy đủ những điểm tiến bộ đồng thời có những phát triển đáng ghi nhận trong quy định về tái hoà nhập cộng đồng. Những quy định này là cơ sở pháp lí quan trọng để tạo ra những chuyển biến tích cực trong thực tiễn tái hoà nhập cộng đồng ở nước ta. Cụ thể hoá các quy định về tái hoà nhập cộng đồng trong Luật THAHS năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật THAHS về tái hoà nhập cộng đồng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 49/2020/NĐ-CP) với những nội dung cơ bản như sau:
2.4.1 Về tư vấn tâm lí, hỗ trợ các thủ tục pháp lí cho phạm nhân
Điều 5 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định: Trong khoảng thời gian 02 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lí, hỗ trợ các thủ tục pháp lí cho phạm nhân nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng. Nội dung tư vấn bao gồm:tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng; tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan. Phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lí như: đăng kí cư trú; đăng kí hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng kí kinh doanh, kí kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.
2.4.2 Về định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân
Điều 6 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định: Các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hoà nhập cộng đồng cho bản thân; phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân. Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, 03 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hoà nhập cộng đồng. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong hình phạt tù và liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, tạo việc làm cho họ.
2.4.3 Về hỗ trợ kinh phí từ quỹ hoà nhập cộng đồng của trại giam cho PN khi tái hoà nhập CĐ
Điều 7 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định: Phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi trở về nơi cư trú được cấp hỗ trợ khoản tiền từ quỹ hoà nhập cộng đồng của trại giam. Căn cứ nguồn vốn của quỹ hoà nhập cộng đồng, giám thị trại giam quyết định mức tiền hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân.
2.4.4 Về thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng
Điều 9 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về mục đích thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng; nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng và các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kì thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù. Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng gồm: chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lí, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ định kiến, kì thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nhân tố tích cực tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu và các nội dung khác có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù. Hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hoà nhập cộng đồng được điều luật này quy định khá đa dạng bằng cách liệt kê nhiều hình thức khác nhau đồng thời có quy định mở về các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục khác.
2.4.5 Về trợ giúp về tâm lí, hỗ trợ các thủ tục pháp lí
Đây là công việc quan trọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Điều 10 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về nội dung và các hình thức trợ giúp về tâm lí đối với người chấp hành xong hình phạt tù đồng thời quy định rõ quyền của người chấp hành xong hình phạt tù là được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lí cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia tố tụng dân sự, hành chính; khi thực hiện các giao kết hợp đồng dân sự; làm thủ tục đề nghị toà án ra quyết định xóa án tích, đề nghị cấp phiếu lí lịch tư pháp và thực hiện các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.
2.4.6 Về đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù
Điều 11 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù. Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này. Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng kí tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, sở lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để phát triển sản xuất, tạo việc làm. Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật. Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong hình phạt tù; theo dõi, báo cáo tình trạng việc làm của người chấp hành xong hình phạt tù do trung tâm giới thiệu với cơ quan quản lí nhà nước về dịch vụ việc làm.
Ngoài ra, Điều 12 Nghị định này cũng quy định các biện pháp hỗ trợ khác đối với người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng gồm: được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để tái hoà nhập cộng đồng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lí, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng của Nhà nước; được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế theo quy định của các luật thuế có liên quan và văn bản hướng dẫn thi hành; ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khả năng quỹ đất ở địa phương và các nguồn tài nguyên khác để giúp các tổ chức, cá nhân trong hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù. Với những quy định này, có thể khẳng định rằng Nghị định số 49/2020/NĐ-CP đã chuyển tải cụ thể, rõ ràng và đầy đủ các nội dung về tái hoà nhập cộng đồng mà Luật Thi hành án hình sự quy định.
Trên đây là những nội dung cơ bản về tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù đã được đặc biệt chú ý trong Luật THAHS năm 2019 và Nghị định hướng dẫn thi hành quy định về tái hoà nhập cộng đồng. Yêu cầu Đồng chí Trưởng Công an xã, Cán bộ, công chức xã có liên quan nghiên cứu nghiêm túc, đồng thời phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả./.